Giải phóng chung cư cũ: Các bên cần nhận trách nhiệm về mình

Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM, ông Nguyễn Trọng Hòa phân tích: "Bài toán xử lý các khu chung cư cũ chỉ được giải khi chúng ta tìm được sự đồng thuận giữa chính quyền, nhà đầu tư và người dân đang sinh sống tại đó, các bên nên có sự nhìn nhận thấu đáo trách nhiệm của mình".

Dùng hay phá?

Tính đến tháng 8/2014, trên địa bàn cả nước có 1.688 nhà chung cư cũ, trong đó, nhiều khu có nguy cơ sụp đổ bất kỳ lúc nào, cho dù người sử dụng đã liên tục sửa chữa, nâng cấp lại. Tuy nhiên hiện nay, với cách làm chắp vá, các hộ gia đình tự sửa chữa trong phần diện tích của căn hộ mình, không ít tòa nhà chung cư cũ đang ngày càng xuống cấp, nguy hiểm.
Tại những khu này, điều kiện hạ tầng và tiện ích công cộng xuống cấp từng ngày, nếu không có giải pháp để xây dựng lại thì chuyện xuất hiện các khu ổ chuột tại các chung cư sẽ ngày càng phổ biến và trầm trọng hơn. Theo thống kê của Bộ Xây dựng, trong 1.155 nhà chung cư cũ của Hà Nội, có khoảng 70 nhà thuộc loại nguy hiểm cấp C. con số này cho thấy mức độ nguy hiểm và phổ biến của tình trạng chung cư cũ.
 nhà sang


Chung cư cũ án binh bất động dù rất nguy hiểm

Phó viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng), bà Nguyễn Thúy Loan, cho biết: Theo kiến thức xây dựng, tuổi thọ trung bình của một công trình kiến trúc có thể lên tới khoảng 100 năm nhưng trên thực tế, những khu chung cư tại Việt Nam lại khó có thể đạt đến độ bền đó. Trả lời câu hỏi tại sao lại có sự bất cập đó, bà Loan cho rằng, nguyên nhân là từ công tác duy tu, bảo dưỡng không được chú trọng nên các khu chung cư cũ ngày càng xuống cấp. Nhiều chuyên gia đã lên tiếng và cảnh báo về chất lượng kết cấu và độ an toàn của những khu chung cư này.
Kiến trúc sư Nguyễn Chiến Thắng (Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội) đưa ra ví dụ. Ở những năm 80 - 90 của thế kỷ trước, khu chung cư Giảng Võ được xem như một điển hình cho công tác phát triển nhà ở được đẩy mạnh của Hà Nội, khu chung cư này đúc kết nhiều bài học kinh nghiệm từ các khu được triển khai trước đó. Nhưng chỉ gần 40 năm sau, khu chung cư Giảng Võ đã xuống cấp “thê thảm”, từ kết cấu chất lượng, cho đến hình thức kiến trúc. Chuyện “chuồng cọp” cơi nới, không gian chung, khu sân chơi, đường giao thông công cộng bị bị lấn chiếm diễn ra ngày càng nhiều.
Kiến trúc sư Đinh Đăng Hải, cán bộ cao cấp của Dự án “Thành phố sống tốt” cũng cho rằng, hệ thống chung cư cũ ở các thành phố lớn hiện nay đang cũ đi rất nhanh, nhanh hơn so với tuổi thọ thật của các khu chung cư này trong bản thiết kế. Lấy ví dụ Tp.HCM, ở đây hiện có khoảng 200 chung cư cũ, phần lớn trong đó đều bị hư hỏng, lún nứt, cần khẩn cấp di dời...
PGS-TS. Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp.HCM cho rằng, để xảy ra tình trạng các khu chung cư xuống cấp một cách nhanh chóng là lỗi đến từ hai phía: các cấp chính quyền quản lý yếu kém và người dân sinh sống không bảo vệ, giữ gìn.

Đi tìm lời giải từ trách nhiệm

Một giải pháp để giải quyết vấn đề trên là  cần một cơ chế phối hợp giữa nhà đầu tư và người dân sở tại để xây dựng lại dự án nhà ở trên nền đất cũ nhưng cho đến thời điểm này hiệu quả trên thực tế vẫn chưa như kì vọng.
Các chuyên gia cho rằng, chính sách để DN làm chủ đầu tư toàn bộ dự án tái thiết là chưa phù hợp, nó đi ngược với tuyên bố lấy lợi ích của cộng đồng chung cư và mục tiêu xã hội làm chủ đạo. DN sẽ cạnh tranh nhau “trầy da tróc vẩy” để xin được đầu tư khi thấy lợi nhuận nhiều, điển hình như Khu chung cư Eden cũ (Tp.HCM). Ở những trường hợp này, vì lợi ích của DN luôn được đặt lên hàng đầu nên rất khó để tạo được sự đồng thuận giữa các bên tham gia.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, TS. Phạm Sỹ Liêm lý giải, quy hoạch không rõ định hướng, cách làm manh mún, chọn nơi dễ bỏ nơi khó nên dù Chính phủ cho phép, triển khai cũng chưa được bao nhiêu. Do chính quyền các thành phố lớn vẫn dè dặt nên dù các đề xuất nâng tầng để giải bài toán kinh doanh cho nhà đầu tư cũng được để ngỏ khả năng thông qua thì cho đến nay, mới chỉ “ngỏ ý” bằng miệng về việc nâng cao số tầng của chung cư tái thiết lên 9 - 30 tầng, văn bản chính thức đề nghị lên Chính phủ vẫn chưa có.
Như vậy, có thể khẳng định rằng chúng ta không thiếu “khẩu hiệu” và “quyết tâm”, nhưng tại phần lớn các dự án, bài toán vẫn chưa tìm được lời giải.
Bà Loan nêu ý kiến, nếu giải quyết được bài toán tài chính thì có thể xây mới lại các khu chung cư cũ, nguy hiểm. Nhưng trước hết cần có những bài toán phải làm ngay, đó là khảo sát kỹ từng công trình chung cư trước khi xây dựng, như từ hệ thống cấp nước, kết cấu, an toàn an ninh… để có giải pháp ngay tức khắc và đáp ứng được nguyện vọng của người dân trong sinh hoạt.

(Theo Thời báo ngân hàng Online)
Share on Google Plus

About Unknown

This is a short description in the author block about the author. You edit it by entering text in the "Biographical Info" field in the user admin panel.
    Blogger Comment
    Facebook Comment

0 nhận xét:

Post a Comment